Thời phụ hoàng trị vì Chu Hữu Khuê

Năm 907, Chu Toàn Trung buộc Đường Ai Đế phải thiện nhượng cho mình, kết thúc triều Đường và mở ra triều Hậu Lương, Chu Toàn Trung nay trở thành Hậu Lương Thái Tổ. Hậu Lương Thái Tổ phong vương cho đại huynh Chu Toàn Dục (朱全昱) cũng như các hoàng tử của mình vào ngày Ất Dậu (9) tháng 5 (22 tháng 6), Chu Hữu Khuê được phong là Dĩnh vương.[6] (Do Chu Hữu Dục qua đời từ trước đó, Chu Hữu Khuê nay là người con đẻ lớn tuổi nhất của Hoàng đế.) Năm 910, Hậu Lương Thái Tổ bổ nhiệm Dĩnh vương là Tả hữu Khống Hạc đô chỉ huy sứ, kiểm hiệu tư đồ, kiêm quản tứ phiên tướng quân. Năm 911, Chu Hữu Khuê đảm nhậm chức Chư quân đô ngu hậu.[3]

Trong khi đó, theo mô tả thì sau khi Trương thị qua đời, Hậu Lương Thái Tổ ngày càng trở nên dâm loạn, và khi các hoàng tử đi xa để làm nhiệm vụ quân sự, Hậu Lương Thái Tổ liền triệu các con dâu vào cung để thị tẩm (hầu ngủ). Thê của Chu Hữu Văn là Vương thị được mô tả là đặc biệt xinh đẹp, được Hậu Lương Thái Tổ sủng ái, điều này góp phần khiến cho Hậu Lương Thái Tổ ngày càng tin tưởng Chu Hữu Văn- khi đó đang trấn thủ đông đô Đại Lương (tức Biện châu), dự định cho Chu Hữu Văn kế vị. Chu Hữu Khuê đặc biệt ghen tị với sự yêu mến mà phụ hoàng thể hiện với Chu Hữu Văn. Ông cũng hết ảo tưởng với phụ hoàng sau khi bị phụ hoàng phạt đánh công khai trong một dịp sau khi ông phạm một số lỗi.[1]

Vào mùa hè năm 912, trở về Lạc Dương sau khi thân chinh kình địch Tấn, Hậu Lương Thái Tổ lâm bệnh nặng, Thái Tổ khiển Vương thị đến Đại Lương để triệu Chu Hữu Văn hồi kinh, có ý giao lại hoàng vị cho nghĩa tử này. Thê của Chu Hữu Khuê là Trương thị cũng có mặt trong cung và biết được chuyện này, bà mật báo cho Chu Hữu Khuê: "Đại gia đem 'truyền quốc bảo' giao cho Vương thị mang đến Đông đô. Ta sớm chết chắc rồi!" Hơn nữa, vào ngày 1 tháng 6 (17 tháng 7),[2] Hậu Lương Thái Tổ cũng sai đại phu Kính Tường (敬翔) ban chỉ bổ nhiệm Chu Hữu Khuê là Lai châu[chú 3] thứ sử, lệnh cho ông đi nhậm chức ngay lập tức. Điều này khiến Chu Hữu Khuê nghĩ rằng mình sau đó sẽ có lệnh giết chết ông, theo như truyền thống khi đó là lưu đày một quan lại trước khi xử tử.[1]

Vào ngày Mậu Dần hôm sau, tức 18 tháng 7,[2] Chu Hữu Khuê bí mật gặp Thị vệ chư quân sứ Hàn Kình (韓勍), người này cũng lo sợ trước việc Hậu Lương Thái Tổ thường xuyên cho hành quyết các quan lại và tướng lĩnh cao cấp, và do đó chấp thuận cùng lập mưu với Chu Hữu Khuê. Đêm hôm đó, họ đem quân tiến vào hoàng cung, giết các quan coi giữ và tiến vào hành thích Hậu Lương Thái Tổ. Bọn nội thị hoảng sợ chuồn mất, Thái Tổ nghe thấy có tiếng động, thất kinh, gượng dậy mà hỏi

Kẻ làm phản là ai?

Nghịch tử đáp

Không phải người nào khác.

Thái Tổ tức giận nói

Trước kia ta đã nghi mày làm phản, chỉ hận không sớm giết đi. Nay mày làm việc bội nghịch như thế, trời đất còn có thể dung túng sao?.

Khuê mắng

Lão tặc đáng phải băm vằm thành vạn mảnh.

Rồi sai bộc phu là Phùng Đình Ngạc (馮廷諤) đâm vào bụng Thái Tổ cho đến chết rồi vùi xác Thái Tổ trong điện, giấu việc không phát tang. Lại sai cung phụng quan Đinh Chiêu Phổ (丁昭溥) đem chiếu chỉ giả đến Đông đô, lệnh cho Chu Hữu Trinh giết Chu Hữu Văn, Chu Hữu Trinh làm theo thánh chỉ. Sau đó, Chu Hữu Khuê giả mạo chiếu chỉ đổ tội cho Hữu Văn, rồi tức hoàng đế vị.[1]